Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đồng ý với kiến nghị sửa đổi một số tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc thù của vùng Tây Nguyên; thực hiện chính sách cho vay ưu đãi trong việc trồng rừng sản xuất đối với các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp, cũng như đầu tư cho một số hoạt động khác như xây dựng, sửa chữa lại hệ thống giao thông, nhất là trên ba tuyến quốc lộ 14, 19 và 25.
Cũng tại buổi làm việc, trên cơ sở kiểm tra thực tế tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Kon Chiêng (huyện Mang Yang), nghe báo cáo lãnh đạo tỉnh và ý kiến trao đổi, đóng góp của các thành viên đoàn công tác Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh hoan nghênh những thành tích đạt được trong việc xây dựng nông thôn mới và mô hình hoạt động của các đơn vị nông-lâm nghiệp trên địa bàn, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và giữ vững an ninh quốc phòng ở địa phương.
Trên cơ sở những tồn tại và vướng mắc từ thực tế, Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh cần quan tâm hơn nữa về chương trình xây dựng nông thôn mới, đó là, tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân; quy hoạch lại quỹ đất phù hợp với từng vùng trên cơ sở đẩy mạnh việc chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao; huy động mọi nguồn lực từ người dân và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn để thực hiện chương trình có hiệu quả hơn.
Đối với việc sắp xếp, đổi mới các nông-lâm trường, Phó Thủ tướng lưu ý cần nghiên cứu về các mô hình sản xuất-kinh doanh nghề rừng phù hợp, trên cơ sở phân loại từng loại rừng cho cụ thể, nghiên cứu về các chế độ chính sách trong khâu quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, giao khoán rừng; khai thác rừng tự nhiên theo phương án điều chế rừng phù hợp, đảm bảo vốn rừng ngày càng giàu hơn lên và thu hút được người dân cùng tham gia và gắn bó với nghề rừng lâu dài.
Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh Gia Lai tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, tỉnh đã thực hiện có kết quả về tiến độ xây dựng nông thôn mới và chuyển đổi mô hình sản xuất và kinh doanh nghề rừng theo chủ trương sắp xếp, đổi mới của Chính phủ.
Đến cuối năm 2012, toàn tỉnh có 122 xã đạt từ 1-5 tiêu chí; 46 xã đạt từ 6-8 tiêu chí; 14 xã đạt từ 9-13 tiêu chí; 3 xã đạt từ 14-18 tiêu chí. Tỉnh đã chỉ đạo chọn 6 xã đạt trên 10 tiêu chí để tập trung đầu tư đạt chuẩn vào cuối năm nay; mỗi huyện, thị xã chọn thêm từ 1-2 xã đạt trên 7 tiêu chí để đầu tư và phấn đấu đạt chuẩn vào cuối năm 2014.
Về công tác sắp xếp, đổi mới các nông-lâm trường quốc doanh, toàn tỉnh hiện có ba công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông nghiệp quản lý 3.700ha, 11 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp quản lý 143.500ha, 20 ban quản lý rừng phòng hộ với hơn 300.000ha, vườn quốc gia Kon Ka Kinh quản lý gần 42.000ha, khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng quản lý 15.500ha và chính quyền cấp xã quản lý gần 350.000ha.
Trong triển khai thực hiện, Gia Lai còn gặp nhiều khó khăn và cần có cơ chế tháo gỡ, đó là: năng lực cán bộ còn hạn chế nên lúng túng trong triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; trình độ nhận thức của nhân dân và nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, còn trông chờ và ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương còn ít so với nhu cầu...
Chương trình sắp xếp, đổi mới lại các doanh nghiệp vẫn còn nhiều lúng túng, hoạt động các đơn vị chưa ổn định. Cơ chế chính sách còn nhiều vướng mắc và nhất là trong khâu hỗ trợ trồng rừng phòng hộ, bình quân mỗi hecta chỉ hỗ trợ 15 triệu đồng, trong khi đó trên thực tế có mức chi phí lên đến 50 triệu đồng/ha. Lực lượng quản lý bảo vệ rừng còn mỏng, bình quân mỗi kiểm lâm viên quản lý tới 1.000ha rừng./.
Văn Thông
(Theo TTXVN)