09:28 EST Thứ bảy, 23/11/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tin tức nông thôn mới » Tin trong nước


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

XDNTM ở Nam Tân: Phát huy truyền thống quê hương

Thứ năm - 21/11/2013 02:11
Nam Tân (Nam Đàn - Nghệ An) được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân từ năm 2000. Để xứng đáng với truyền thống đó, chính quyền và nhân dân xã đã có nhiều cố gắng trong việc đưa mảnh đất này sánh vai cùng các địa phương khác, đặc biệt là những nỗ lực trong việc hòa vào dòng chảy xây dựng nông thôn mới (XDNTM) của đất nước.

Tiếp bước cha ông

Khi cùng ra đồng xem vùng quy hoạch của địa phương, ông Đào Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Nam Tân, chỉ cho chúng tôi xem địa điểm mới của trụ sở UBND xã, dự kiến xây dựng vào năm 2014 (hiện đang làm việc nhờ tại đình Thanh Đàm); khu quy hoạch thị tứ; điểm đến du lịch của Nam Tân nói riêng và Nam Đàn nói chung; vùng quy hoạch XDNTM với những tuyến giao thông nội đồng, đang kêu gọi đầu tư xây dựng.

Được biết, trụ sở UBND xã trong tương lai không xa nằm ngay con đường “máu” thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông Quang cho biết, trong thời kỳ đó, cả miền Bắc chỉ có 2 chuyến phà vào Nam là Bến Thủy và Nam Tân. Để chia lửa cho Bến Thủy, con đường “máu” đã được bà con che chắn kỹ bằng những cây cổ thụ như: đa, giới, phi lao. Máy bay Mỹ lượn trên đầu suốt ngày đêm nhưng hàng trăm chuyến hàng và người vẫn lưu thông bình yên. Dự kiến, trong quy hoạch XDNTM, đây là điểm du lịch hấp dẫn của Nam Tân nói riêng và Nam Đàn nói chung. 

Ngoài con đường “máu”, Nam Tân còn nhiều địa danh huyền thoại như: điểm đóng quân của Vua Mai (đền Vua Mai), Rú Voi, khe Bò Đái – danh thắng nổi tiếng trên dãy Thiên Nhẫn, với câu sấm “Nam Đàn sinh thánh” được truyền lại cách đây gần 300 năm và trên 15 ngôi đình, đền, miếu dự kiến được khôi phục. Đặc biệt, trên dãy Rú Voi còn có dòng chữ “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ vĩ đại”, đứng xa hàng cây số vẫn nhìn thấy. Vào năm 1946, bà con Nam Tân đã khắc dòng chữ: “Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”, sau khi Bác mất thì đổi lại như ngày nay. Chính quyền huyện Nam Đàn đang có chủ trương đổ bê-tông, ghép đá trắng vào dòng chữ này. 

“Khơi dậy truyền thống để cùng nhân dân chung tay XDNTM trên mảnh đất đã thấm đẫm xương máu của cha ông là những trăn trở khôn nguôi của lãnh đạo xã và nhân dân Nam Tân. Vì vậy, khi có chủ trương XDNTM, chúng tôi đã tổ chức 35 buổi tuyên truyền dưới nhiều hình thức. Trước tiên là quán triệt từ Đảng bộ, các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị - xã hội; phối hợp tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt tập thể, các lớp bồi dưỡng, hội nghị sơ kết với 982 lượt người tham dự. Vừa hâm nóng tinh thần cách mạng, vừa tuyên truyền, đẩy mạnh XDNTM, xứng đáng với sự hy sinh của cha ông thuở trước là nhiệm vụ của chúng tôi hôm nay”, ông Quang tâm sự. 

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Cho đến nay, Nam Tân vẫn là địa phương thuần nông nhưng kinh tế của xã phát triển khá mạnh, riêng mảng nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng và có hiệu quả, theo sát cơ chế thị trường để nâng cao thu nhập cho bà con, từ đó xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững. Hiện, xã chỉ giữ 119ha lúa 2 vụ để đảm bảo an ninh lương thực, còn lại chuyển sang trồng các loại cây màu như: ngô, lạc, đậu hè thu; phát triển cánh đồng cho thu nhập cao; hình thành các trang trại vừa và nhỏ 

Được biết, từ năm 2009 đến nay, toàn xã đã chuyển được 40 - 50ha đất canh tác xấu (chủ yếu là đất cát) sang trồng dưa hấu, bình quân cho thu nhập 5-6 triệu đồng/sào. Vụ đông xuân, xã thực hiện mô hình trồng lạc phủ nylon, năng suất bình quân 1,8 - 2,2 tạ/sào (không phủ nylon đạt 1,2 - 1,5 tạ/sào). Mô hình trồng ngô vụ đông đạt năng suất bình quân 2,2- 2,7 tạ/sào. Trước đây, người dân Nam Tân vẫn trồng ngô vụ hè thu, nhưng mùa này gió Lào nhiều, ngô không thụ phấn được nên bà con chuyển sang trồng đậu xanh, năng suất đạt 12 tạ/ha, tăng 7 tạ/ha so với năm 2011. Đặc biệt, năm 2013, lãnh đạo xã Nam Tân có chủ trương thực hiện dự án phục tráng cây đậu tương Nam Đàn, loại đậu để làm tương ngon nức tiếng cả nước. Hiện, loại đậu tương này cho năng suất khá cao, bình quân 40 - 60kg/sào. Mặt khác, xã cũng đang đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, năm 2013, tổng đàn trâu, bò đạt 1.399 con. 

Bước đầu thực hiện tái cơ cấu đồng ruộng, đã có 50 - 65% diện tích đất nông nghiệp của Nam Tân chuyển sang trồng các loại rau màu cho hiệu quả kinh tế cao (giá trị thu nhập 50 - 70 triệu đồng/ha/năm, trong đó 30% diện tích cho thu nhập trên 70 triệu đồng/ha/năm trở lên). Thời gian tới, xã sẽ phấn đấu đưa đàn trâu, bò tăng 6 - 8% tổng đàn/năm. 

Ngoài lực lượng lao động trên đồng ruộng, Nam Tân còn có một đội quân “xung kích” làm nghề thợ xây, cả ở thị trường trong nước lẫn nước ngoài như: Ănggôla, Dubai, Ả-rập-xê-ut (60-70 người); Đài Loan (Trung Quốc) 70 người; thị trường trong nước dao động từ 400 - 500 người. Riêng tại địa bàn huyện đã có trên 30 tổ thợ xây (khoảng 300 lao động). Trung bình mỗi thợ xây được trả công 150.000 - 200.000 đồng/ngày; thợ giỏi 200.000 - 250.000 đồng/ngày. Lực lượng lao động hùng hậu này đã góp phần không nhỏ trong việc làm đổi thay bộ mặt làng quê NamTân, nâng cao thu nhập cho từng gia đình và hiện đang tích cực ủng hộ phong trào XDNTM. 

Hành trình phía trước 

Tính đến hết ­tháng 6/2013, Nam Tân đã đạt 9/19 tiêu chí: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch, điện, trường học, bưu điện, nhà ở dân cư, thu nhập, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, hệ thống chính trị, an ninh trật tự xã hội và 1 tiêu chí gần hoàn thiện. Những tiêu chí còn lại, xã sẽ căn cứ vào tình hình và điều kiện thực tế của địa phương để xây dựng lộ trình thực hiện một cách khoa học và hợp lý, phấn đấu đến năm 2015 cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí. Theo đó, từ nay đến cuối năm, xã tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí: thủy lợi, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, văn hóa. 

Dự kiến năm 2014, xã làm mới 600m đường trục xã với kinh phí 600 triệu đồng; 1.400m đường trục thôn, kinh phí 1.231 triệu đồng và bê-tông hóa 16 tuyến đường ngõ xóm. Lắp đặt 93 điểm cầu cống tưới tiêu nội đồng; 3 tuyến kênh mương bê-tông cấp 2. Mở rộng 2 tuyến đường trục chính nội đồng, kinh phí 284,1 triệu đồng. Đặc biệt, xã sẽ xây mới trụ sở UBND với kinh phí 5.000 triệu đồng; nâng cấp sân vận động xã kinh phí 1.200 triệu đồng; xây dựng trạm văn hóa xã theo quy hoạch thị tứ, kinh phí 3.000 triệu đồng. Phấn đấu xây dựng 2 xóm (4 và 7) đạt tiêu chuẩn làng văn hóa. Phấn đấu đến hết năm 2014, tất cả các tuyến đường xã, xóm, nhất là những nơi công cộng, đều có hệ thống đèn chiếu sáng.

Năm 2015, xã chủ trương làm mới 2 tuyến đường trục xã dài 1.000m, kinh phí 1 tỷ đồng; nâng cấp, mở rộng 900m đường trục thôn, kinh phí 684 triệu đồng; làm mới 1.000m đường trục ngõ - xóm, kinh phí 48 triệu đồng; nâng cấp 13 tuyến trục ngõ dài 2.055m, kinh phí 986,4 triệu đồng. Nâng cấp 2 tuyến đường trục chính nội đồng dài 1.690m, kinh phí 89,9 triệu đồng. 

Về giao thông nội đồng, xã chủ trương xây mới 5 tuyến kênh mương bê-tông cấp 2 dài 740m, kinh phí 370 triệu đồng. Vận động nhân dân duy tu, sửa chữa, nạo vét kênh mương tưới tiêu, đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh. Đồng thời, thay mới 2 máy biến áp, nâng cấp điện lưới hạ áp, kinh phí 450 triệu đồng. Xây mới chợ trung tâm xã rộng 3.000m2, kinh phí 3.000 triệu đồng, tuyên truyền nhân dân và các hộ kinh doanh không lấn chiếm lòng lề đường. Chú trọng nâng cao thu nhập cho người dân, phấn đấu đến năm 2015, thu nhập bình quân đạt 18 triệu đồng/người; năm 2020 trên 35 triệu đồng/người. Tiếp tục nâng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm đạt trên 90%; hạ tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống dưới 10%; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 85- 90%; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; mỗi gia đình có 1 hố rác tại gia. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Nam Tân cho biết: “Khi triển khai XDNTM, chúng tôi gặp khá nhiều thuận lợi. Bà con luôn ghi nhớ, trân trọng và phát huy truyền thống của cha ông trong đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước. Vì vậy, khi có chủ trương XDNTM, chúng tôi nhận được sự ủng hộ, đồng tình rất cao của nhân dân. Tuy nhiên, đây là công việc phải tiến hành trong thời gian dài, chú trọng cả về hình thức lẫn nội dung, diện mạo nông thôn thay đổi theo hướng hiện đại nhưng phải thiết thực, đảm bảo chất lượng. Nam Tân là xã miền núi còn nhiều khó khăn nên tiến độ XDNTM hiện tại chưa được như mong muốn, song, chắc chắn chúng tôi sẽ thành công trong thời gian không xa”.

Ông Quang còn cho biết thêm, kinh phí hoàn thành các hạng mục từ nay đến 2015 là 45.237 triệu đồng, trong đó vốn ngân sách là 21.178 triệu đồng, nhân dân đóng góp 24.089 triệu đồng; doanh nghiệp 800 triệu đồng; giai đoạn 2016-2020 khoảng 9.180 triệu đồng. Xã sẽ chú trọng đẩy mạnh sản xuất rau màu các loại trên cả 3 vụ để tăng diện tích có giá trị thu nhập trên 70 triệu đồng/ha/năm. Khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn. Tuyên truyền cho con em sau khi tốt nghiệp THCS tiếp tục học lên THPT, bổ túc, học nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...

Dương Thu Hiên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 469

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 468


Hôm nayHôm nay : 75822

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1047990

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 71275305