Từ đầu năm 2012 đến nay, phong trào xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Lâm Đồng có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, đạt những thành tựu vững chắc. Có được kết quả này là do cấp ủy, chính quyền các cấp đã không ngừng đổi mới, sáng tạo khi thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới.
Khéo lựa chọn, xây dựng mô hình điểmNăm 2009, xã Xuân Trường, TP Đà Lạt bắt đầu thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2011, xã đã đạt 14/19 tiêu chí (theo bộ tiêu chí quốc gia), 5 tiêu chí chưa đạt đó là: Giao thông, quy hoạch, cơ cấu lao động, cơ sở vật chất văn hóa và chợ. Tưởng như hoàn thành 5 tiêu chí còn lại sẽ rất khó khăn, nhưng khi triển khai các mô hình “Dân vận khéo”, phong trào xây dựng nông thôn mới của xã đã có những bước phát triển đột phá. Đến nay, xã đã hoàn thành 18/19 tiêu chí, mục tiêu xây dựng nông thôn mới sắp cán đích.
|
Nông dân tỉnh Lâm Đồng thực hiện sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để xây dựng nông thôn mới. |
Trao đổi với chúng tôi về nguyên nhân của sự đột phá trên, lãnh đạo xã cho biết: “Trước đây, việc thực hiện các tiêu chí còn lại gặp nhiều khó khăn là do công tác tuyên truyền, vận động chưa được quan tâm đúng mức, khi triển khai một số dự án chưa nhận được sự đồng thuận, nhất trí của người dân”. Từ tháng 3-2012, sau khi có Hướng dẫn số 43 của Ban Dân vận Trung ương về “Thi đua Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới” và kế hoạch của Thành ủy TP Đà Lạt, Đảng ủy xã đã ra nghị quyết chuyên đề, đồng thời chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xây dựng 29 mô hình dân vận khéo, trong đó có 12 mô hình của thôn và 17 mô hình của xã. Việc xây dựng và duy trì tốt các mô hình dân vận đã kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy kinh tế, xã hội của địa phương phát triển. Đồng chí Nguyễn Trọng Bình, Phó chủ tịch xã nêu ví dụ:
- Trước năm 2012, xã có 1km đường vào khu sản xuất tập trung cần mở rộng và nhựa hóa. Tuy nhiên khi triển khai, một số hộ dân có đất đai, hoa màu trong khu vực cần giải tỏa phản đối, làm cho dự án bị đình trệ. Khi chính quyền thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, các gia đình đã tự nguyện phá bỏ hoa màu, hiến đất để mở đường. Điển hình như gia đình chị Trần Thị Minh Sơn ở thôn Xuân Sơn đã tự nguyện hiến hơn 500m2 đất. Đến nay con đường vào khu sản xuất đã hoàn thành, tạo thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân.
Xã Tân Hội, huyện Đức Trọng là một trong 3 xã trên cả nước được Ban Bí thư Trung ương chọn làm thí điểm xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2012, thông qua các mô hình dân vận khéo như: “Vận động nhân dân chuyển đổi sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao”, ‘Thi đua sản xuất giỏi”, xã triển khai được 21 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, cho thu nhập 800 triệu/ha/năm, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người của xã từ 25,9 triệu đồng/người (năm 2011) lên 32,5 triệu đồng/người (năm 2012). Minh chứng cho điều này, chúng tôi đã tới tham quan mô hình của gia đình anh Võ Thái Hiệp ở thôn Tân Trung, anh Hiệp phấn khởi giới thiệu:
- Trước đây, 2,5 sào vườn này gia đình tôi trồng cà phê cao sản, mỗi năm cho thu hoạch khoảng một tấn, trừ mọi chi phí chỉ lãi 15 triệu đồng. Sau khi được cán bộ xã tuyên truyền, vận động, gia đình tôi đã phá bỏ cà phê chuyển sang làm nhà kính trồng ớt chuông cho thu hoạch 20 tấn/năm. Với giá bán 16.000 đồng/1kg như hiện nay, sau khi trừ mọi chi phí, lãi khoảng 200 triệu đồng.
Đồng chí Hà Phước Toản, Trưởng Ban dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng nêu kinh nghiệm: "Khi đăng ký xây dựng các mô hình dân vận khéo, Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành phải bám sát vào bộ 19 tiêu chí quốc gia, các mô hình dân vận phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức và thực tiễn tại địa phương, ưu tiên xây dựng các mô hình dân vận hướng vào giải quyết khâu yếu, việc khó, những nhiệm vụ quan trọng, trước mắt, liên quan tới lợi ích thiết thực của người dân. Nhờ quan điểm chỉ đạo này mà hàng loạt mô hình sáng tạo đã ra đời, thực sự là nhân tố "tiếp lửa" cho phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương".
Khéo tuyên truyền, vận độngTới thăm thôn Tân An, xã Tân Hội, chúng tôi thực sự ấn tượng bởi cảnh sắc làng quê đẹp như một bức tranh, với đường bê tông sạch bóng, hai bên là những ngôi nhà khang trang ngăn cách với nhau bởi những “bức tường xanh” ô rô, cúc tần được cắt tỉa gọn gàng. Đây là sự thay đổi lớn vì trước đó không lâu Tân An vẫn là “điểm nóng” về vệ sinh môi trường của xã. Đồng chí Hồ Thanh Bảo, Bí thư chi bộ thôn kể:
- Trước đây, người dân trong thôn có thói quen “heo che, bò khoe”, chuồng trại gia súc làm ngay trước cửa nhà, các gia đình cũng không có nhà vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường vừa tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh cao. Nhằm khắc phục tình trạng trên, các đồng chí trong tổ dân vận "Vệ sinh môi trường xanh-sạch-đẹp” đã họp thôn, tuyên truyền vận động người dân chuyển chuồng trâu, bò ra phía sau nhà và xây nhà vệ sinh tự hoại. Cán bộ, đảng viên thực hiện trước, gia đình nào gặp khó khăn về nhân lực, xã huy động đoàn thanh niên, dân quân tới giúp. Đến nay, 100% hộ đã chuyển chuồng trâu, bò ra phía sau nhà và xây dựng nhà vệ sinh tự hoại, ngoài ra mỗi hộ còn tự nguyện đóng góp 10.000 đồng/tháng để thuê công ty vệ sinh thu gom rác thải và góp tiền để mua bóng đèn chiếu sáng đường thôn.
Ở xã Tân Hội, chúng tôi còn được nghe kể về một trường hợp khi UBND xã vận động nhân dân hiến đất xây sân vận động, nhiều gia đình đã tự nguyện tham gia, riêng ông Nguyễn Hóa kiên quyết phản đối, thậm chí còn thuê luật sư về “kiện” chính quyền. Đích thân các đồng chí lãnh đạo xã đã xuống gặp gỡ ông và từng thành viên trong gia đình để phân tích, động viên, rồi tổ chức họp thôn để nhân dân cùng góp ý. Cuối cùng ông cũng đã nhận ra vấn đề và vui vẻ, tự nguyện hiến hơn 300m2 đất để xã xây sân vận động.
Thực tế công tác dân vận ở Lâm Đồng cho thấy: Việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; kiên trì vận động, thuyết phục; có phương pháp tuyên truyền phù hợp; nêu cao tính tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên; thường xuyên rút kinh nghiệm, bồi dưỡng nâng cao năng lực tiến hành công tác dân vận chính là “bí quyết” để khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tạo sự đồng thuận và tự giác cao, để người dân thực sự trở thành chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Đồng chí Nguyễn Duy Việt, Phó ban Dân vận Trung ương khẳng định: "Mặc dù phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới được triển khai chưa lâu, nhưng Lâm Đồng đã có nhiều mô hình điển hình, nhiều cách làm hay, sáng tạo. Đây thực sự là kinh nghiệm tốt để các địa phương trong cả nước học tập".
Tính đến cuối năm 2012, kết quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới tại 41 xã ưu tiên đầu tư giai đoạn 1 của tỉnh Lâm Đồng có: Hai xã đạt 18/19 tiêu chí; 5 xã đạt 15 đến 16 tiêu chí; 24 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí; 10 xã đạt từ 7 đến 9 tiêu chí. Nếu đối chiếu vào Quyết định số 342QĐ-TTg ngày 20-2-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi một số tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới thì đến nay, Lâm Đồng đã có hai xã đạt chuẩn nông thôn mới (19/19 tiêu chí). |
Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG
Theo qdnd.vn