Chính sự năng nổ, nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội, bà Hợi luôn được người dân trong tổ yêu mến
Bà Hợi cho biết, năm 2008 người dân trong tổ 8 quá bức xúc vì đoạn đường đất của tổ dài 2,5km bị hư hỏng nặng do các xe tải chở gỗ, cao lanh của các công ty gây ra. Ngân sách xã có hạn, phải ưu tiên đầu tư cho các hạng mục khác. Để khắc phục tình trạng trên, bà Hợi đứng ra vận động 35 hộ dân trong tổ đóng góp tiền sửa chữa. Ban đầu, nhiều hộ dân không đồng ý với lý do "đường của xã hội, để xã hội, nhà nước làm”. Nhưng sau, nhờ đeo bám, làm tốt công tác vận động nên tất cả các hộ đã tham gia đóng góp tiền và ngày công với tổng giá trị gần 40 triệu đồng. Nhờ đó, con đường không còn hố voi, ao tù, việc đi lại của người dân rất thuận tiện. Đường đã xong, nhưng còn một nỗi đau đáu mà bà Hợi muốn làm từ bao năm nay là kéo điện về tổ. Năm 2008 trở về trước, phần lớn người dân trong tổ dùng bình ắcquy, máy dầu phục vụ tưới tiêu, chăn nuôi, chỉ có 11 hộ/36 hộ có điện (vì các hộ này nằm ở gần tuyến đường nhựa Minh Hưng – Minh Thạnh) nên phải "câu” điện nhờ từ các hộ khác trong ấp 5, tuy nhiên giá điện phải trả rất cao, từ 3.000đồng/KWh đến 4.500đồng/KWh. Nhất là năm 2008 giá dầu tăng cao, trung bình mỗi lần tưới cây, một gia đình mất khoảng 9 – 10 lít dầu nên chi phí đầu tư không nhỏ. Do đó, nhu cầu kéo điện là rất cấp thiết. Sau khi tham khảo dự toán chi phí đầu tư kéo điện, mỗi hộ đóng tiền hạ thế 13 triệu đồng, bà Hợi cùng với cán bộ tổ, ấp đi đến từng nhà vận động, thuyết phục. Việc kéo điện về tổ được các hộ ủng hộ, nhưng số tiền đóng quá cao nên có 6 hộ không đồng ý. Bà Hợi đề xuất tổ chức các buổi họp tổ chuyên đề về xây dựng nông thôn mới, tăng cường tuyên truyền vận động kéo điện, đồng thời tranh thủ buổi trưa và dành buổi tối đi đến từng hộ chưa đồng ý để vận động. "Phải trải qua 9 lần họp tổ mới tạo sự đồng thuận của 36/36 hộ dân, với số tiền thu được là 355 triệu đồng làm đường điện hạ thế, và gần 200 triệu đồng tiền các hộ dân đầu tư kéo điện từ bình hạ thế vào nhà mình, trong đó trung bình mỗi hộ đóng 15 triệu đồng, hộ đóng cao nhất là 30 triệu đồng. Cuối năm 2009, ánh sáng điện phủ sáng toàn bộ tổ 8, đời sống của người dân đổi thay thấy rõ, điện về, nhà nhà đều sắm tivi, tủ lạnh, loa đài… Hơn thế nữa, điện phục vụ tưới cây, chăn nuôi đã góp phần giảm chi phí rất nhiều so với dùng dầu như trước đây”, bà Hợi hồ hởi cho biết. Chính sự năng nổ, nhiệt tình, có trách nhiệm cao tham gia các hoạt động xã hội, bà Hợi luôn được người dân trong tổ yêu mến. Mấy năm nay bà còn là tổ trưởng tổ an ninh và chi hội trưởng phụ nữ, cũng với phương pháp làm tốt công tác dân vận nên an ninh trật tự của tổ 8 được đảm bảo, đời sống của các hộ dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Trong năm 2011, 2012 không có vụ mâu thuẫn nào trong gia đình và hàng xóm xảy ra. Đinh Thị Tuyết Sơn http://daidoanket.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn