Triển khai đồng bộ
Ông Hoàng Đức Thắm, GĐ Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị, cho biết trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có tiêu chí số 5 về trường học và tiêu chí số 14 về giáo dục.
Xác định trách nhiệm lớn lao của mình, các cấp quản lý giáo dục tại các địa phương Quảng Trị đã và đang nỗ lực tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền xây dựng kế hoạch và thực hiện các nội dung trong 2 tiêu chí trên.
Thời gian qua, ngành GD-ĐT Quảng Trị đã triển khai đồng bộ nhiệm vụ trọng tâm công tác giáo dục phổ thông các cấp, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, công tác hướng nghiệp dạy nghề, củng cố và phát triển hệ thống các Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện, thị, trung tâm học tập cộng đồng tại các xã, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giúp đỡ các địa phương về công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Chủ trương của ngành cố gắng tạo điều kiện để các em học sinh đều được đến trường và được học trong những ngôi trường rộng rãi, khang trang, mát mẻ.
Sau 3 năm thực hiện nhiệm vụ của mình, ngành GD-ĐT Quảng Trị đã góp phần cùng địa phương triển khai thực hiện tốt hai tiêu chí 5 và 14.
Kết quả của tiêu chí 14 là giáo dục rất đáng khen ngợi. Tại Quảng Trị, giáo dục THCS đã được phổ cập từ năm 2005. Từ đó đến nay Quảng Trị luôn giữ được sự phát triển nâng cao về chất lượng của giáo dục.
Tất cả 117 xã NTM đã hoàn thành phổ cập giáo dục THCS. Về huy động học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT, học nghề, học bổ túc văn hóa... hiện ở Quảng Trị có 83/117 xã đạt, trung bình toàn tỉnh đạt trên 71%.
Lý do kết quả này mới tiệm cận mức quy định là không phải Quảng Trị thiếu chỗ học cho học sinh, mà thực tế có không ít học sinh sau khi tốt nghiệp THCS không muốn đi học lên cao, cũng không thích đi học nghề, học bổ túc, muốn ở nhà giúp gia đình lao động SX để có thu nhập trước mắt.
Khi đi kiểm tra cơ sở cho thấy tỷ lệ một số học sinh không tiếp tục đến trường thường gặp ở các vùng kinh tế khó khăn như miền núi rẻo cao, bãi ngang.
Nội dung thứ ba của tiêu chí 14 là tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề ở Quảng Trị đạt 36,4%, cao hơn quy định đề ra.
Theo ông Hoàng Đức Thắm, về tiêu chí 14, ngành GD-ĐT Quảng Trị gần như đã đạt được. Cái khó khăn nhất là nội dung thứ hai của tiêu chí 14 về huy động học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục vào THPT, bổ túc văn hóa... tuy chưa đạt 85% song cũng đã tiệm cận.
Ngành có chủ trương động viên các trường phối hợp với các tổ chức, đoàn thể ở khu vực có một số học sinh không tiếp tục học lên THPT, bổ túc văn hóa động viên các em hiểu hết về ý nghĩa của việc học hành đến nơi đến chốn là lợi thế cạnh tranh về trình độ học vấn để sau nay ra đời sớm tìm được chỗ làm việc như mong muốn.
Khó khăn nhất với GD-ĐT Quảng Trị là tiêu chí thứ 5 - trường học đạt chuẩn quốc gia (CQG). Theo quy định mỗi xã muốn đạt tiêu chí này phải có hơn 80% số trường học đạt chuẩn. Xây dựng trường chuẩn ở các cấp học cần 5 tiêu chí tổ chức và quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; chất lượng giáo dục; tài chính, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Do đó để có trường học đạt CQG không phải chuyện dễ.
Ông Hoàng Đức Thắm phân tích, ở Quảng Trị trung bình mỗi xã có 2 đến 4 trường học các cấp. Nếu quy định phải có hơn 80% số trường đạt chuẩn mới đạt tiêu chí thì mức quy định đó được xem gần như phải có 100% số trường của xã đạt chuẩn mới được.
Hiện tại với bậc mầm non, Quảng Trị có 40% trong tổng số 163 trường đạt CQG, bậc tiểu học có 105/124 trường đạt CQG, chiếm trên 85%, do đó bậc này đạt CQG. Còn THCS có 27/104 trường đạt CQG, mới đạt 25%.
Để Quảng Trị sớm đạt được 2 tiêu chí trên, ông Hoàng Đức Thắm kiến nghị Nhà nước cần tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hóa trường học để đầu tư cơ sở vật chất trường học, nhất là giúp các tỉnh đang khó khăn như Quảng Trị. Tỉnh và huyện, thị dành một phần ngân sách đáng kể hằng năm đầu tư xây dựng trường học các cấp. Cùng với đó đề nghị các địa phương thực hiện tốt hơn nữa việc vận động con em đến trường với mục tiêu em nào cũng được đi học. |
Để đảm bảo 100% số trường trong tổng số 117 xã NTM đạt CQG là rất khó. Cái khó nhất để đạt được tiêu chí thứ 4 là do thiếu thốn cơ sở vật chất trường học. Trong lúc đó chương trình kiên cố hóa trường học không còn được thực hiện. Ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng trường không đáng kể...
Chú trọng giáo dục ở nông thôn
Ông Hoàng Đức Thắm nhận định trong điều kiện khó khăn không dễ để xây dựng được trường đạt CQG, vậy việc duy trì, giữ vững danh hiệu càng trở nên quan trọng.
Do đó, ngoài việc huy động nguồn lực đầu tư xây dựng mới các trường đạt CQG, cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn cần quan tâm chỉ đạo, ưu tiên, bố trí ngân sách, đầu tư bổ sung, sửa sang những hạng mục đã xuống cấp của những trường CQG đã công nhận nhiều năm.
Đây cũng là giải pháp quan trọng nhằm duy trì số lượng trường đạt chuẩn, phấn đấu hoàn thành tiêu chí 4 trong Bộ tiêu chí quốc gia.
Về hướng phát triển, Sở đề nghị các Phòng GD-ĐT lập kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, quy hoạch mạng lưới trường lớp hằng năm phải đặc biệt chú trọng đến khảo sát, đánh giá thực trạng giáo dục nông thôn.
Trên cơ sở nguồn vốn huy động được, lồng ghép với các nguồn vốn của chương trình hỗ trợ có mục tiêu để xác định danh mục đầu tư, thứ tự ưu tiên thực hiện các công trình, dự án đầu tư, mua sắm trang thiết bị nhằm góp phần đạt được từng tiêu chí quốc gia về giáo dục trong Bộ tiêu chí quốc gia về NTM.
Trước khó khăn thách thức trên đây, Sở GD-ĐT Quảng Trị đã yêu cầu Phòng GD-ĐT các địa phương phải thường xuyên chú trọng duy trì các tiêu chí đã đạt được cũng như tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng, hoàn thiện các tiêu chí đã được đề ra để ngành GD-ĐT Quảng Trị luôn xứng đáng là lá cờ đầu.
Lâm Quang Huy
Nguồn: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn